Chợ Vĩnh Thực
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Chợ Vĩnh Thực

rao vat tai dao vinh thuc


You are not connected. Please login or register

Đừng để sử học suy thoái về học thuật

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

vinhthuc


Admin

SGTT.VN - “Nếu thừa nhận thời Nguyễn là một chặng đường quan trọng phải đi qua để trở về tìm hiểu lịch sử dân tộc, thì một trong những nhiệm vụ trước tiên là phải tìm hiểu hệ thống sử liệu Việt Nam về thời Nguyễn” – trên đường hướng suy nghĩ đó Cao Tự Thanh đã độc lập tiến hành phiên dịch hai quyển Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên và Đại Nam Thực lục chính biên đệ thất kỷ, trong đó quyển đệ lục kỷ phụ biên vừa được xuất bản tháng 11 qua.

>> Xe Mercedes bốc cháy trên đường
>> Sám hối của kẻ sát nhân 'cuồng yêu'
>> Nhật ký chiến trường và bảy lần chết hụt

Là tác giả của nhiều công trình văn học cổ, lịch sử và văn hoá sử có giá trị, Cao Tự Thanh từng được giáo sư Trần Văn Giàu nhận xét là một nhà nghiên cứu “có kiến thức, có trình độ, có phương pháp”, cả ba điều ấy lại đang là những điều còn thiếu trong việc nghiên cứu sử học hiện nay.

Cơ duyên nào đã đưa anh tới việc dịch và giới thiệu bộ Chính biên đệ lục kỷ phụ biên?

Khoảng năm 1988 – 1990, tôi đọc thấy một bài báo của anh Nguyễn Huệ Chi viết rằng anh đã chính mắt nhìn thấy hai bộ sử này ở thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, nhưng gọi tên là Chính biên đệ thất kỷ và Chính biên đệ bát kỷ. Đến năm 2003 nghe tin một nhóm Việt kiều đưa bản sao ảnh hai bộ này về tặng viện Sử học, tôi xem lại bộ Di sản Hán Nôm – Thư mục đề yếu của viện Nghiên cứu Hán Nôm và trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp năm 1993 thì thấy ký hiệu sách của hai bộ này, nhưng không ghi rõ tên sách. Đến năm 2010 nghe một người quen nói có thể tìm được bản sao ảnh ấy, tôi nhờ tìm thử mới xác định được ký hiệu nào là của bộ nào, chỉ là ảnh có dung lượng nhỏ quá, đọc để biết qua thì được nhưng không thể dùng để dịch. Sau đó tôi nói với người quen ấy nhờ bên trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp chụp giúp để dịch, cũng hơi ngại chuyện thủ tục này nọ. Không ngờ họ sốt sắng nhận lời, chụp hơn 3.000 trang gởi về tôi xem lại cũng có trang sót trang mờ, nhờ chụp bổ sung họ cũng vui lòng, sau kỳ nghỉ đông năm 2010 họ gởi về đầy đủ, đọc kỹ thấy dịch được thì dịch thôi.

Nói thêm là khoảng giữa năm 2010 tôi đã dùng bản sao ảnh thứ nhất viết bài giới thiệu bộ Chính biên đệ lục kỷ phụ biên trên tạp chí Xưa và Nay, nhưng đến khi có được bản sao ảnh thứ hai vẫn không thấy có ai nói gì, đoán là chưa ai dịch nên mới quyết định dịch.

Điều gì mà anh cho là thú vị nhất trong bộ Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên?

Ngoài nhiều chi tiết lịch sử hay lạ được ghi nhận, nhiều quá trình lịch sử cụ thể được phản ảnh, bộ sử này có chỗ độc đáo là vừa phủ nhận Thành Thái, Duy Tân trên phương diện chính trị, vừa khẳng định triều Nguyễn trên phương diện lịch sử, tức vẫn có sự đối lập nhất định với chính quyền thuộc địa. Cũng cần lưu ý rằng tập quán chính trị của giai cấp tư sản Pháp là chỉ lật đổ ngai vàng chứ không giết chết nhà vua, nên Thành Thái, Duy Tân chỉ bị phế truất và đày đi biệt xứ. May mà lịch sử triều Nguyễn đã dừng lại với Cách mạng tháng tám 1945, không thì những quân cờ bị gạt bỏ ấy có thể lại là những quân cờ trong một cuộc cờ chính trị khác sau khi đế quốc Việt Nam của Bảo Đại sụp đổ theo sự sụp đổ của đế quốc Nhật Bản. Tôi suy nghĩ về những điều đó rất nhiều.

Vậy anh nghĩ gì về việc triều Nguyễn từ Thành Thái, Duy Tân đến Khải Định, Bảo Đại “vẫn có sự đối lập nhất định với chính quyền thuộc địa”?

Rõ ràng triều Nguyễn không những để mất nước mà còn cộng tác với ngoại nhân đàn áp các phong trào giành độc lập, nhưng bộ sử này cũng như nhiều tư liệu khác lại cho thấy họ vẫn có sự đối lập nhất định với chính quyền thuộc địa. Chẳng ai bán nước nếu không mưu cầu một lợi ích nào đó, nhưng cái lợi ích mà triều Nguyễn nhận được trong vụ “bán nước” này lại rất ít ỏi, và đó chỉ vì họ không đủ sức mạnh cần thiết để chống Pháp nên chọn con đường nhượng bộ và thoả hiệp với Pháp để tồn tại. Không cần đánh giá đạo đức chính trị của họ làm gì, người ta nói nhiều rồi. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là hành động chính trị không phải lúc nào cũng có thể thống nhất với quan điểm và quyền lợi chính trị. Thực tế này làm cho chính trị nhiều khi trở thành một cuộc chơi tàn khốc mà bi thảm, nhất là với những kẻ yếu. Trước kia đã thế mà hiện nay cũng thế thôi.

Anh đã từ lịch sử nghĩ tới chính trị, vậy anh nghĩ gì về mối liên hệ giữa lịch sử với chính trị?

Sử học là khoa học nhận thức lịch sử, nó tổng kết, lý giải và dự báo. Tổng kết không đủ thì lý giải không đúng, lý giải không đúng thì dự báo không được, dự báo không được thì hành động không phù hợp.
Trong lịch sử có lịch sử chính trị, nhưng cả lịch sử và chính trị đều có nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Cho nên mối liên hệ có tính quy luật, tức phổ biến và lặp đi lặp lại giữa lịch sử và chính trị được xác lập thông qua sử học. Sử học là khoa học nhận thức lịch sử, nó tổng kết, lý giải và dự báo. Tổng kết không đủ thì lý giải không đúng, lý giải không đúng thì dự báo không được, dự báo không được thì hành động không phù hợp. Mà cái quan trọng nhất trong chính trị là phải hành động phù hợp với điều kiện khách quan.

Nghĩa là theo anh, sử học phải phục vụ chính trị?

À, đó là một câu chuyện dài trên mức lê thê rồi, phải chấm dứt thôi. Khổng Tử san định kinh Xuân Thu dằn mặt bọn “loạn thần tặc tử”, nhiều triều đại phong kiến ở các quốc gia Nho giáo biên soạn chính sử tổng kết kinh nghiệm và khoe khoang công lao trị nước, triều Nguyễn đời Khải Định, Bảo Đại biên soạn Chính biên đệ lục kỷ phụ biên khẳng định địa vị “chính thống” của họ, thì là phục vụ chính trị. Nhưng lịch sử không chỉ là lịch sử chính trị, chính vì chỉ khuôn vào nội dung và mục tiêu ấy nên ngoài Nhật Bản thì sử học Nho giáo Đông Á không giúp các quốc gia Nho giáo đối đầu được với làn sóng quốc tế hoá mang tính cưỡng bức của các quốc gia tư sản phương Tây cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đấy.

Sử học có thể phục vụ chính trị, phục vụ rất tốt nữa. Nhưng nếu coi đó là mục tiêu duy nhất hay quan trọng nhất thì sử học sẽ suy thoái về học thuật trên lộ trình chính trị hoá, và sẽ suy thoái về phẩm chất nếu nền chính trị mà nó phục vụ bị suy thoái. Chuyện này thì thực tiễn ở Việt Nam đã chứng minh nhiều rồi.

Vậy anh nghĩ thế nào về trách nhiệm của người viết sử, dịch sử? Theo anh, đây có phải là một công việc nguy hiểm?

Nếu nói mục tiêu của sử học và trách nhiệm của những người làm sử là phục vụ chính trị thì công việc ấy nguy hiểm kiểu khác, nếu nói như tôi trên kia thì nó nguy hiểm kiểu khác. Trong trường hợp thứ nhất, đó là sự nguy hiểm cho chính sử học, trình độ dân trí và quyền lợi quốc gia, trách nhiệm với nhiều người nhiều đời ấy ai dám gánh vác thì cứ việc. Còn trong trường hợp thứ hai, đó là sự nguy hiểm cho người làm sử, nhưng sinh nghề tử nghiệp, nếu sợ thì đừng làm, đã làm thì có sợ cũng vẫn nguy hiểm như thường.

Anh tốt nghiệp ngành Hán Nôm khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội. Tại sao anh lại nghiên cứu lịch sử, mà còn khá nhiều khá sâu nữa?

Lúc tôi học ở miền Bắc thì các giáo trình lịch sử Việt Nam và văn học sử Việt Nam dạy trong nhà trường chủ yếu là lịch sử miền Bắc và văn học sử miền Bắc mở rộng. Lúc tôi thi tốt nghiệp đại học là năm 1977, làm luận văn về Tao Đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên, phải đọc nhiều tư liệu về lịch sử và văn học Đàng Trong, sau khi tốt nghiệp cũng lần lượt làm nhiều đề tài về văn hoá sử, văn học sử Nam bộ, vì thế phải tìm hiểu lịch sử. Ví dụ năm 1985 bác Trần Văn Giàu gọi tới, bảo viết bài Văn học Hán Nôm ở Gia Định trong Địa chí văn hoá TP.HCM, tôi thưa với ông cái khó không phải là việc thu thập tư liệu hay phiên dịch thơ văn, mà là cách nhìn nhận lịch sử Nam bộ thời Đàng Trong, thời Nguyễn thế nào để từ đó đánh giá về tác giả tác phẩm. Nhiều người tham gia viết bộ địa chí ấy chắc cũng thế thôi, nếu cứ theo quan điểm chính thống về lịch sử Đàng Trong, lịch sử nhà Nguyễn lúc bấy giờ thì làm sao có cái nhìn chính xác và nhất quán về lịch sử và văn hoá thành phố và Nam bộ được. Rất may là hai ông già Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng không bị chi phối bởi cái khuôn chính thống ấy, nên bộ địa chí mới đạt được kết quả như thế. Từ công trình quan trọng này, học giới Nam bộ, học giới thành phố đã bắt đầu điều chỉnh nhận thức về triều Nguyễn, chứ hội nghị về vương triều Nguyễn ở Thanh Hoá cách nay vài năm thật ra chỉ là gõ vào một cánh cửa đã mở. Nhiều người chắc còn nhớ, sau hội nghị triều Nguyễn năm 1996, có một ông về sau thành “nhà phản kháng”, “nhà dân chủ” viết báo lên án, làm đơn tố cáo ầm ầm, kết tội những người cả gan “độ lượng” với Gia Long, chụp thêm vài cái mũ chính trị to tướng, mà các nhà sử học ngoài Bắc trong Nam đều im thin thít, có thấy ai hiên ngang đổi mới, can đảm đột phá như bây giờ đâu. Tôi bực mình lên tiếng phản bác, thì ông ta im. Chính qua những công việc như thế mà tôi phải học lịch sử, học để làm việc thì cứ phải học tiếp học thêm, từ thời Nguyễn ngược lên thời Lê, từ Việt Nam mở ra nước ngoài, là ví dụ thế.

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu:

“Thế hệ chúng tôi tuy học sử, văn nhưng hầu như không được học chữ Hán – Nôm một cách đến nơi đến chốn vì cấu trúc chương trình dành cho môn này rất ít thời gian, như là môn phụ. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh là một trong số ít những người nghiên cứu về văn hoá – lịch sử Việt Nam có vốn kiến thức Hán – Nôm vững vàng. Dù cuộc sống riêng còn nhiều khó khăn nhưng anh đã kiên trì đi theo con đường nghiên cứu, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị cao, giúp chúng tôi – đồng nghiệp của anh – những tư liệu mới, tri thức mới. Đặc biệt, các công trình của anh đều thể hiện chủ kiến độc lập. Trong khoa học xã hội, đây là điều không dễ dàng. Anh có bản lĩnh đưa ra và bảo vệ chủ kiến của mình, bản lĩnh ấy vừa do tri thức vững vàng, đồng thời cũng do “cá tính” rất mạnh của anh. Cá tính ấy nếu mới tiếp xúc có thể không ít người khó chịu, nhưng quen thân rồi thì quý trọng, bởi anh rất chân tình với bạn bè, nhiệt tình chỉ dẫn mỗi khi chúng tôi có điều gì cần nhờ anh giải đáp”

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên:

“Người trong giới khoa học xã hội quý trọng anh, một con người có nhân cách, bản lĩnh độc lập trong cuộc sống và trong khoa học. Những công trình anh thực hiện đã chứng tỏ được năng lực nghiên cứu khoa học của mình, với khối lượng đồ sộ, thái độ dịch thuật nghiêm cẩn, một tri thức tìm xưa để hiểu nay. Bạn bè và độc giả luôn đón chờ những tác phẩm mới của anh và tìm mua với sự tin cậy, đó là giá trị đích thực của người làm nghiên cứu”
Trong việc nghiên cứu lịch sử, anh học tập ai nhiều nhất?

À, vụ này nói ra cũng lạ. Tự nhiên là tôi phải đọc rất nhiều người, nhưng chỉ có một người mà tôi đọc đi đọc lại, riết rồi nhiễm luôn, phải giãy giụa mất bảy tám năm mới thoát được khỏi cái bóng rợp học vấn của anh mà có cách tư duy sử học và nhận thức lịch sử độc lập của mình. Đó là tác giả quyển Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771 – 1802) xuất bản ở Sài Gòn năm 1973, anh Tạ Chí Đại Trường. Tôi chỉ được gặp anh vài lần, hai lần trước khi anh ra nước ngoài định cư, một lần là năm 2006 anh về nước ghé chơi, uống với tôi vài ly, cho tôi vài quyển sách. Tiếc là anh nặng nợ nhân sinh nên chưa thi thố được hết sở học, vài năm nay tâm lý cũng ít nhiều ảnh hưởng tới trang viết, nhưng tôi nghĩ đó là một trong những nhà sử học bậc nhất Việt Nam, ít nhất từ 1975 đến nay.

Có bao giờ anh phải đối đầu với những thế lực, thành kiến để bảo vệ chủ kiến của mình không?

Có chứ, nhưng tôi vốn cẩn thận nên vẫn chưa bị gì. Do điều kiện đất nước bị chia cắt, nên trước 1975 giới sử học miền bắc đã áp đặt mô hình phát triển lịch sử ở phía Bắc vào lịch sử phía Nam, ví dụ coi Tây Sơn là phong trào nông dân khởi nghĩa, có người còn xếp vụ binh biến Lê Văn Khôi vào loại khởi nghĩa nông dân. Tôi có ý kiến khác, nhưng rất cân nhắc khi đưa ra tư liệu, lập luận và kết luận. Chắc cũng có người không nhất trí, nhưng ít nhất đến nay tôi cũng chưa thấy ai chính thức phản bác. Không nhắc tới để phủ nhận cũng là một cách phủ nhận, sự không ngay thẳng ấy là chuyện của họ, có điều tôi tiếc cho đám em cháu cứ bị dạy sử với những kiến thức sai lầm cũ kỹ thôi.

Ngoài ra đối đầu về khoa học ở nước ta thường đi kèm với những lý do ngoài khoa học, nhưng tôi không làm việc nhà nước, chẳng tranh giành được với ai cái gì nên không có kẻ thù cá nhân, cũng là điều may.

Anh nghĩ gì về việc dạy lịch sử trong nhà trường hiện nay? Để giúp giới trẻ hiểu được lịch sử dân tộc một cách đúng đắn, theo anh phương pháp viết sử, dạy sử cần thay đổi như thế nào?

Nếu đi vào chi tiết thì phải mất một cuốn sách vài trăm trang mới trả lời nổi câu hỏi này. Nhưng nếu nói khái quát thì ít nhất phải giải quyết dứt điểm hai chuyện, một là xác định rõ mục tiêu của giáo dục nói chung và một là xác định rõ mục đích của việc dạy sử trong nhà trường nói riêng. Trước nay người ta nói giáo dục là nhằm đào tạo con người để xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, gần đây nói thêm rằng mục tiêu của giáo dục là dạy người ta học để làm người, lối tư duy đạo đức luận chỉ biết hô khẩu hiệu suông ấy đã góp phần đưa giáo dục Việt Nam tới tình trạng thê thảm hiện nay. Tôi nghĩ phải dạy người ta học để làm việc, sau này qua công việc họ sẽ tự học và được dạy cách làm người. Dạy sử học sử thì mục đích không phải là khen chê tốt xấu, đánh giá công tội mặc dù cũng cần có định hướng về thái độ, cái cần nhất cũng không phải là liệt kê những chuyện đã xảy ra trong lịch sử mà là giải thích tại sao những chuyện ấy đã xảy ra như thế, có như thế mới trang bị được cho người học những tri thức cần thiết về tính quy luật, tính ngẫu nhiên vân vân của lịch sử. Chuyện phương pháp viết sử tôi không dám bàn, chỉ xin nhắc lại một câu của F. Engels: “Lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá trình tư duy cũng phải bắt đầu từ đó”. Ví dụ ở Việt Nam từ thời Lê trung hưng trở đi

tổ chức nhà nước là theo mô hình Nho giáo nhưng tổ chức chính quyền lại bị chia đôi, đã có vua lại có chúa, chưa giải thích về cái cấu trúc chính trị báng bổ Nho giáo ấy thì làm sao hiểu được Nho giáo ở Việt Nam? Hay nhiều công trình, giáo trình về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 có nhiều tiêu chí phân kỳ không rõ ràng, thậm chí lẫn lộn nhiều thứ, đây cũng là lý do học thuật phải suy nghĩ. Cho nên việc một gã thảo dân nghèo mạt như tôi công bố bản dịch Chính biên đệ lục kỷ phụ biên lại là một ví dụ không mấy vui về hiện trạng viết sử dạy sử nước nhà, tôi nghĩ nhiều tới chuyện đó chứ không cần khoe công qua những bài phỏng vấn loại này đâu.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất đáng suy nghĩ này.

thực hiện Kim Yến

https://vinhthuc.forumvi.net

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết